Ngay sau khi phát sóng phóng sự về thực trạng nấm không rõ nguồn gốc được bán trong siêu thị, nhóm phóng viên đã trở lại nơi được cho là đóng gói những túi nấm Lưu Mai Hương không rõ nguồn gốc. Lúc này, cánh cửa cơ sở sản xuất luôn trong tình trạng khóa chặt và bên ngoài luôn có một thanh niên túc trực.
Bà Nguyễn Thị Minh Phương, Giám đốc Siêu thị Fivimart Lý Thái Tổ cho biết: “Chúng tôi có nhập và bán hàng của cơ sở Lưu Mai Hương. Khi hợp tác kinh doanh họ đã trình đủ giấy tờ cần thiết. Tuy nhiên, khi biết thông tin về nấm không rõ nguồn gốc, chúng tôi đã cho dỡ bỏ các loại nấm này xuống và trả lại hàng tồn cho nhà phân phối”.
Theo Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm do Sở Y tế Lạng Sơn cấp ngày 2/5/2013, các sản phẩm nấm kim châm, nấm đùi gà… do cơ sở Lưu Mai Hương sản xuất phù hợp quy định an toàn thực phẩm và giấy chứng nhận này có giá trị trong vòng 3 năm. Cho dù trên thực tế, chính cơ sở này xác nhận với phóng viên là không có khả năng sản xuất các loại nấm cao cấp nói trên.
Luật sư Nguyễn Thanh Bình, công ty Luật Bảo Ngọc cho rằng, nếu giấy xác nhận do Sở y tế Lạng Sơn cấp là hợp pháp thì hành vi của cơ sở Lưu Mai Hương là một hành vi gian dối trong hoạt động thương mại.
“Trong trường hợp không sản xuất nhưng lại có giấy tờ chứng nhận và đưa hàng hóa vào lưu thông là hành vi gian dối trong kinh doanh, lừa dối khách hàng, lừa dối về xuất xứ về nguồn gốc sản phẩm. Theo quy định tại nghị định 180/2013 thì hành vi này có thể bị phạt hành chính từ 20.000-80 triệu đồng. Còn trong trường hợp tái phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự” - ông Nguyễn Thanh Bình, Công ty Luật Bảo Ngọc nói.
Như vậy, chưa xét đến tính hợp pháp của giấy tờ nói trên và những sản phẩm nấm không rõ nguồn gốc bán ra, ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe người tiêu dùng, thì người chịu trách nhiệm đầu tiên chính là cơ sở sản xuất nấm Lưu Mai Hương.